03/01/2016 | |
Dấu vết về các địa danh, di tích
vùng định đô cổ thời Hùng Định - Hai Bà Trưng
(thân phụ của Hai Bà Trưng) hậu duệ cuối cùng của dòng dõi nhà Hùng
Theo phả cũ về sự tích Trưng Vương (sách chép ngoài sử ký vùng Lĩnh Nam) cho biết, một phần vùng đất đồi núi rải dài từ chân núi Ba Vì xuống phía Đông Nam là Thạch Thất và Quốc Oai (Sơn Tây cũ) là một phần đồi núi lãnh địa trang trại của Hùng Định, cha đẻ của Hai Bà Trưng, thuộc dòng dõi vua Hùng Vương thứ 18. Theo bản "Lâu Thượng Thần tích Ngọc phả cổ truyền" được lưu giữ tại đinh ngoại xã Lâu Thượng (nay thuộc Việt Trì) thời Hùng Định là đời thứ 24 thuộc chi trưởng cuối đời nhà Hùng.
Sau đây là một số địa danh và nhân vật từ thời đó còn lại như là di tích và lãnh địa về nơi căn cứ, định đô chống giặc xâm lược.
I. Một số địa danh cổ xưa ở vùng sơn tây, nơi căn cứ địa chiến đấu chống quân Hán của Hai Bà Trưng
1. Bà Chắc (Chắc là kín chắc, không phải là trắc nhuư lâu nay nhiều sử ta đã viết), Hoàng đế Lĩnh Nam: Theo phần phả, văn bia, văn tế tại một số đền, miếu thờ Hai Bà và các huân thần, huân tướng ở Miền Bắc Việt Nam, ở vùng Lưỡng Quảng, Hồ Nam bên Trung Hoa thì bà Chắc, sau khi thắng Tô Định, được quần hùng suy tôn làm Hoàng Đế Lĩnh Nam, bà Nhì là Lạc Vương
Giao Chỉ. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, sử ta ghi bà Chắc là tước Vương
(ở dưới tước vị Hoàng Đế Tàu, lúc đó là Hán Quang Vũ - Lưu Tú). Sử gia Tàu còn xuyên tạc gọi Hai Bà là "giặc", hay "người con gái đất Giao Chỉ phản lại triều Đông Hán", mặc dầu chúng buộc phải hạ bút khen Hai Bà rất dũng cảm. Hiện nay trong các sử sách của ta vẫn ghi Trưng Chắc chỉ là tước Vương (Trưng Vương), cần có sự sửa đổi lại chức tước của Bà đã được dân ta suy tôn là Hoàng Đế.
2. Kẻ Lói: tên Việt cổ của làng Hạ Lôi, tâm điểm của Trang Cổ Lôi, nơi ra đời của Hai Bà Trưng. Cổ Lôi là tên chữ có nghĩa tiếng sấm vang xa từ trong trống đồng. Kẻ Lói là từ tiếng Mường "quel klâu, quel klu, quel Trlu", chỉ vùng có nhiều trâu. Từ thượng cổ đến nay, vùng này nuôi rất nhiều trâu, nhờ có những cánh đồi, đồng cỏ rậm tít tắp. Người Việt thời cổ gọi tên một ngọn đồi: Klu, đồi Trâu (người Tàu gọi là Ngưu Sơn) hoặc biến âm từ Klu, Klâu ra Câu Lâu, để gọi ngọn đồi có chùa Tây Phương. Trên đồi này có ngôi chùa xưa kia tên là Sùng Phúc Tự hay Tây Phương Cổ Tự, nay gọi là chùa Tây Phương nổi tiếng, một điểm du lịch hấp dẫn của đất nước.
3. Bà Mèn (Man) Thiện: Thân mẫu Hai Bà, vốn dòng lạc tuớng, quê ở làng Nam Nguyễn, Đường Lâm, hạt Lâm, ven sông Cái (Nhị Hà) sau là làng Nam An, Phúc Thọ, Sơn Tây). Vốn nghề tơ tằm, ông bà lạc tướng họ Trần đặt tên cho con gái là Mối (mối tơ, một mối làng nghề). Khi trở thành phu nhân của lạc tướng Hùng Định, bà vẫn tiếp tục nghề tơ tằm, cày cấy tại trang Cổ Lôi (kẻ Lói) một vùng trù phú, gồm hàng chục làng của hai huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và Thạch Thất (Sơn Tây). Ông bà Hùng Định là nhà đại điền chủ, hậu duệ dòng dõi nhà Hùng, cũng là nhà từ thiện nổi danh trong châu, huyện. Trong những năm đói kém, Ông Bà thường phát chẩn cho dân các làng ở địa phương. Trong mùa dịch tễ, Ông Bà phát thuốc cho người bệnh trong vùng. Vì vậy, dân địa phương thường gọi bà Hùng Định là Mế Lành. Sau này, người Tàu và nhà Nho dịch tiếng "Mế Lành" ra Man - Thiện để tiện ghi chép ở văn bia, thần phả và về mặt ngữ nghĩa, theo bọn thống trị Tàu gọi các dân tộc khác là man di, man rợ. Tuy nhiên, dân làng kẻ Lói và làng Nam Nguyễn sau vẫn dùng tiếng Đức Bà Mèn Thiện chứ không gọi là Man Thiện vì họ cho tiếng Man thiện là một ngoại từ hỗn xược. Đến nay dân các huyện trên còn lưu truyền câu phương ngôn "Đói gì mà đói, đói thì vào Kẻ Lói xin ăn" để nhắc lại ơn xưa của Mế Lành. Rừng già nằm trong địa phận huyện Lương Sơn (Hòa Bình) giáp đất Thạch Thất.
4. Cổ Lôi Trang là một trang trại trải dài từ hữu ngạn Sông Con (Tích Lịch giang, hay Tích giang) qua nhiều làng vào Thung Mộ, núi Đống Thóc, núi Vua Bà (Nam Sơn Hoàng Bà)... thuộc Hòa Bình và Sơn Tây. Truyền rằng, thời cổ nhiều nơi trong vùng có những mảnh quặng đồng lộ thiên, nguồn tài nguyên phong phú để đúc trống, chiêng, loa đồng và binh khí. Vì đó, Cổ Lôi mang nghĩa tiếng sấm vang từ trống đồng ra. Nhiều nơi ở vùng này, từ xa xưa, đã mang tên Lôi đậm nét như: Vân Lôi, Phấn Lôi, Trạch Lôi, Sơn Lôi, Hẻm Lôi Âm, chùa Lôi Âm... như muốn đánh dấu một vùng "địa linh nhân kiệt".
5. Sông Tích là sông Con. Sông Cái là Sông Mẹ (khúc từ Việt Trì trở lên) sông Hát (khúc từ Việt Trì xuôi đến cửa Hát đổ vào sông Đáy), sông Nhị, sông Phú Lương, đến thời Pháp thuộc gọi chung tất cả là sông Hồng (từ Phong Thổ, Lào Cai trở xuống ra đến cửa sông ở biển Bắc bộ) vì quanh năm nước sông Cái mang theo phù sa màu đỏ ngàu. Sau thời Hai Bà, Sông Con có tên là Tích Lịch Giang (dòng sông sấm sét); cùng với những địa danh như trang Cổ Lôi, Phấn Lôi, Vân Lôi, hẻm Lôi Âm, chùa Lôi Âm, xã Trạch Lôi... ở trong vùng, như muốn ghi lại dấu tích nơi bản bộ hiển hách của Hai Bà. Thời Đông Ngô đô hộ nước ta, bọn thống trị đổi tên Sông Con hay Tích Lịch Giang là Tích Thủy hay Tích Giang để nhớ đến tên con sông Tích Thủy ở vùng Hà Nam (bên Tàu)
là quê hương của viên huyện lệnh Tàu đến cai trị huyện Câu Lâu (nay là huyện Thạch Thất). Sông Tích Lịch bắt nguồn từ Suối Hai ở trên núi Ba Vì chảy qua tỉnh Sơn Tây hiện nay theo dòng xuôi từ Bắc đến Nam, đổ nước vào sông Đáy ở Ngã Ba Thá (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Năm dòng suối lớn bắt nguồn từ núi Tản Viên, núi Vua Bà và núi Xồ theo hướng bắc nam, thứ tự sau đây chảy vào lòng Sông Con: Suối Hai, Suối Hang, Suối Giếng, Suối Vai Cả và Suối Vàng. Các suối ấy thoạt đầu thường chảy qua những làng Mường hay Mán mà từ thời Mã Viện, người Tàu gọi chung là vùng đất Ngũ Man Khê.
Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm", bà Đoàn Thị Điểm có nhắc đến điển tích này:
"Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử,
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba"
Theo truyền thuyết Sơn Tinh (Thánh Tản Viên) thì vua Thủy Tề (Vua Nhà Thủy) đã chọn chiến trường hằng năm vào mùa nước lũ trên dòng Sông Con và Sông Cái. Cũng theo truyền lại của bà con địa phương, Sông Con là một trong những trục đường thủy vận chuyển chở nghĩa quân, vũ khí thời Hai Bà rất thuận lợi.
6. Gò Roi ở địa phận làng Kẻ Roi (Phấn Lôi, sau đổi là Vân Lôi) nơi lạc tướng Hùng Định và gia đình y võ sư Đỗ Năng Tế rèn luyện võ nghệ cho con cháu và hương binh bản bộ. Phấn Lôi (rút ra từ kinh dịch: "Lôi xuất địa phấn" (tiếng sấm nổ rung động trời đất) chỉ sự bộc phát vang dậy của cuộc khởi nghĩa. Vân Lôi (mây sấm) chỉ sự bộc phát mạnh mẽ của những anh hùng khởi hấn. Vân Lôi ở gần Kẻ Lói (Cổ Lôi, hiện nay là Hạ Lôi). Khi Mã Viện bình định vùng Cổ Lôi Trang, phần đông dân Phấn Lôi bị cưỡng di cư sang bờ bắc Sông Cái, (nay là Vĩnh Yên, Phúc Yên), lập làng mới với tên Vân Lôi (tiếng sấm đã dịu), theo nghĩa "Lửa văn lửa vũ", trong đông y, lửa vũ là lửa bốc mạnh đun nước chóng sôi; lửa văn là lửa dịu nhỏ lửa để đun cho nước thuốc đặc dần mà không giảm chất của thuốc).
7. Khoang Mục: cách Cổ Lôi khoảng 3km, xưa là một khu cây cối um tùm, trong đó có Quán Chăn, miếu thờ thần Quản Mã, Quản Tượng là người huấn luyện ngựa, voi cho Hai Bà và các tướng đương thời. Phía trước Quán Chăn có một dòng suối lớn. Năm 1947-1948, nhiều dân làng Kim Quan chạy sơ tán an toàn ở bên suối Quán Chăn để trốn giặc Pháp đi càn quét tại địa phương. Có lúc, dân tị nạn thắp hương nghi ngút, khấn vái xin chư thần cứu độ, trong lúc tiếng đại bác, tiếng tắc bọp của giặc nổ rền trời cách đấy không xa. Xung quanh Khoang Mục là những bãi cỏ non rộng ngút ngàn, thức ăn của trâu bò, voi, ngựa. Khoang, gốc tiếng Mường từ chữ "cuổng" là bãi đồng rộng. "Cuổng Klu" là bãi thả trâu; theo tiếng Mường, Mục là chăn nuôi. Khoang Mục là bãi chăn nuôi trâu, bò, voi, ngựa. Gần Khoang Mục là Khoang Mè, một bản Mường khác.
8. Quán Ao Sen: Trước cửa đền Hạ Lôi (Thạch Thất) thờ gia đình Hai Bà Trưng có một ao trồng sen rộng khoảng vài mẫu Bắc Bộ nên địa phương gọi là Ao Sen. Quán toạ lạc trên một gò đá cao độ 4m, nhìn ra Ao Sen. Xung quanh Quán có 3 cây đa cổ thụ cao vút trời xanh, đứng theo thế tam giác. Các cụ già làng kể lại rằng: thời Lĩnh Nam, quặng đồng trong vùng tuy có nhiều song chỉ dùng đúc vũ khí và chiêng, trống, loa, cồng, nên rất thiếu vạc, nồi đồng loại to, để làm bếp nuôi quân. Vì vậy, nhân dân giết trâu bò, gà lấy thịt, còn da trâu bò căng rộng ra nối vào rễ phụ của 3 cây đa đứng theo thế bắc bếp, làm nên chiếc vạc lớn, đem thịt chất lên vạc (nồi) bằng da đó. Phía dưới người ta chụm củi đun lâu để thịt chín trong vạc da. Từ đó có thành ngữ: "Nồi da nấu thịt" ra đời, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
9. Đàn Nam Giao: Đuổi sạch quân Đông Hán, thu hồi được Lĩnh Nam, bà Trưng Chắc được suy tôn làm Hoàng Đế cõi Lĩnh Nam, cử hành lễ đăng quang. Bà Nhì được phong làm Bình Khôi công chủ, Giao Chỉ Lạc Vương. Ngay khi đó, Vua Bà Lĩnh Nam trong triều phục khăn áo vàng, cùng triều đình tự chủ tới đàn Nam Giao đã đắp sẵn để lễ tế tạ ơn trời đất và các tiên vương dòng Hùng. Địa điểm đàn Nam Giao nay còn di tích là Làng Nam Giao, một bản Mường giáp ranh giữa hai huyện Lương Sơn và Thạch Thất. Nơi tụ cư của dòng máu Mường - Việt. Làng Nam Giao ở 5km về hướng nam - tây nam Hòa Lạc, ở 2km tây nam núi Đống Thóc (núi Mục, 101m cao), làng này ở 2,5km nằm chếch về hướng tây bắc núi Tu Hú, và liền chân phía bắc núi Xồ, nơi đầu nguồn của dòng Suối Vàng (Kim Khê) lịch sử. Tra cứu trong các sách địa dư, địa phuơng chí, bản đồ nước ta xưa nay, kể từ Quảng Trị trở ra Bắc tới Lạng Sơn, Hà Giang,... hiếm thấy bản làng nơi nào mang tên "Nam Giao" vì tên đó chỉ dùng cho nơi đế đô danh trấn xưa, như tên làng này. Làng Nam Giao trước 1945, thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
10. Đồng Dâu: ở địa đầu của Cổ Lôi Trang, gần xóm Bà Già, (Kim Quan, Thạch Thất) nuương dâu thời cổ của gia đình Hùng Định - Mế Lành Mèn Thiện.
11. Đồng Táng thuộc đất giáp Kim Quan. Đi khỏi Đồng Dâu vài km là Đồng Táng, nơi chôn tập thể các sỹ tử Hán, Việt trong các trận đánh cuối cùng thời Hai Bà. Đồng Táng là nơi kho cất giấu binh khí của hương binh trang Cổ Lôi khi thế lực còn đang mạnh. Xưa là khu rừng rậm bao la, nay là cánh đồng xanh cấy lúa. Đồng Kho, cách Hạ Lôi khoảng 2km, theo truyền lại xưa là cánh rừng rậm, nơi cất dấu lương thực của nghĩa quân Hai Bà, sau là một làng Mường - Việt, tức là làng Đồng Kho.
12. Bai Mộ Chiến: Nơi xảy ra các trận đánh giáp lá cà ác liệt, nhất là về ban đêm, của quân Việt chống quân Đông Hán. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp khai phá khu này làm đồn điền, gồm vài trăm héc ta, gọi là Mo-Chen, dân gian ta gọi là đồn điền Mỏ Chén, địa danh này sau là khu đất của Truường bắn pháo binh và là nơi sản xuất của Tổng cục Chính trị.
- Thung Mộ: Một nơi trong vùng Cổ Lôi Trang, có cánh đồng phì nhiêu của đồng bào Mường, dân bản bộ thời xưa của quan chủ Hùng Định. Trên đồi Thung Mộ, trước 1954, có miếu Quan Hoàng theo truyền lại là nơi thờ Quan Hoàng Ba, em trai và cũng là vị huân thần dũng tướng của Hai Bà. Vùng này có nhiều truyền tích về Quan Hoàng Ba (dân gọi tránh tên huý là ông Hoàng Bơ), và xưa kia rải rác có đền, miếu 8 vị Thái Bảo trong triều đình Hai Bà. Đồi Thung Mộ ngày nay trồng chè (trà) tươi xanh. Từ đồi Thung Mô, qua sân bay Hòa Lạc trải dài trước mắt xưa kia có thể nhìn thấy vùng Thạch Thất, làng Kim Quan.
13. Rộc Vừa là một cánh đồng thuộc ấp Cố Thổ, làng Mục Uyên (Mục Lân); 4km cách Hạ Lôi, nơi có đền thờ tưuớng quân Lý Minh, một trong những tưuớng tiền đồn của Hai Bà. Truyền rằng Lý Minh là nguười phục kích giết Tô Định khi y trở lại Giao Chỉ, làm tế tác quan (thám báo) cho Mã Viện, vượt sông Con vào thám kích mặt trận Suối Vàng. Dẫn quân thám báo vào tới cánh rộc (đầm, láng) gần tiền đồn thôn Cố Thổ thì bị tướng Lý Minh phục kích giết chết. Cánh rộc đó, đời sau dân gọi là Rộc Vừa, nghĩa là Tô Định "vừa" đến đó thì bị giết. Đình Rộc Vừa xây trên nền đồn của tướng Lý Minh, nay còn hương khói. Ngài quê ở Đình Bảng (Bắc Ninh), theo phù tá Hai Bà Trưng từ khi khởi nghĩa, có nhiều huân công, đuược phong thực ấp ở Mục Lân, được cử làm tướng tiền đồn ở ven sông Tích.
14. Làng Da (Phú Đa) nơi có đình thờ đại tuớng Đào Quang, một huân tướng của vua Trưng. Ngài quê ở Kiệt Đặc (nay thuộc tỉnh Hải Dương), theo giúp Hai Bà Trưng từ thời chuẩn bị khởi nghĩa. Thắng giặc Đông Hán, Ngài được phong thực ấp ở Phú Đa và cử làm tướng trấn tiền đồn ven Sông Tích, vòng hào thiên nhiên che chở đô kỳ Mê Linh, Cổ Lôi Trang, đàn Nam Giao, Thung Lũng Suối Vàng (Kim Khê, Cấm Khê)...
15. Lũng Suối Vàng, Thung Lũng Suối Vàng: Sách Hán ghi là Kim Khê Cứu hay, cũng gọi là Cấm Khê, nơi Mã Viện bắt Bà Trưng ở đây, Thung Lũng Suối Vàng là nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Hai Bà chống xâm lược Đông Hán. Suối Vàng nguồn từ chân núi Xồ, một nhánh thấp của núi Vua Bà, chảy qua các cánh đồng làng Hạ Lôi, kéo dài tới 8km, rồi đổ nước vào Sông Con (sông Tích Lịch). Được gọi là Suối Vàng từ thượng cổ đến nay, vì ở lòng Suối và hai bên triền Suối có lớp cát dày, lẫn vào đó nhiều vảy vàng sa khoáng (kim xa) óng ánh. Cho tới gần đây, dân địa phương thường đến bãi cát tìm Vàng ở hai triền suối. Đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, đi trên đường 21, thường gặp những đám thanh niên cỡi xe đạp rời Suối vàng về nhà, sau một ngày làm việc cực nhọc, trên poóc-ba-ga xe đạp là bộ đồ nghề đãi vàng gồm: sẻng xúc cát, chậu gỗ, giãn lọc cát, túi đựng vảy vàng. Thời phát xít Nhật, người Nhật đặt ở đây một cơ sở chuyên mướn nhân công đãi lọc kim sa, lấy vàng đem về nước nhúng.
16. Bãi Thắng Đầu: nằm ở xã Hòa Mục, dưới chân Núi Trán Voi một nhánh của Núi Vua Bà, vùng Cổ Lôi Trang, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), địa danh ghi lại trận ra quân thắng lợi đầu tiên của nghĩa binh Hai Bà.
17. Đồi Trán Voi: Tên một ngọn núi (337m) cạnh núi Vua Bà (552m). Người Mường gọi là Nam Sơn Hoàng Bà là nhánh của núi Viên Nam (1031m). Núi Viên Nam là chi nhánh của núi Tản Viên (Ba Vì, 1281m. Có giai thoại là: Bà Trưng Nhì có biệt tài về thủy chiến và tượng chiến, huấn luyện voi trận. Khi luyện voi, gặp một con rất ương bướng, Bà Nhì nổi nóng đã tuốt gươm chém vạt một bên trán voi này. Đứng từ xa nhìn vào quả đồi như dáng một con voi với một bên trán bị chém vạt.
18. Đồng Kính Chủ: là đồng làng Kẻ Cánh, tên chữ là Kính Chủ xa xưa trước gọi là vùng Cánh Tiên ở cạnh làng Hạ Lôi. Địa danh này nói lên lòng kính mến của dân làng đối với gia đình quan chủ Hùng Định và Vua Bà Kẻ Lói. Một phần lớn dân làng này đã bị Mã Viện cưỡng đi sang phía đông sông Đáy để lập làng mới (Kính Hữu) tại Sơn Nam Hạ thuộc vùng Kiến An ngày nay.
19. Kiềm Lan Gián: là tên xưa của một bến nước sông Tích ven làng Kẻ Giàng (Kim Quan, Thạch Thất), do bọn thống trị Đông Hán đặt cho một đồn trại của quân Tàu trên bến sông. Kiềm Lan Gián là một bến sông trấn áp luồng sóng dữ dâng lên từ các lực lượng dân tộc Âu - Lạc ở vùng Cổ Lôi Trang. Thời Đông Hán, Kẻ Giàng có tên chữ là hương Kiềm Lan. Truyền lại, tại bến sông này, quân Đông Hán giết hại nhiều dân chúng, nghĩa sĩ Việt ở địa phương. Sau thời Đông Hán, bà con dân làng đã dựng trên nền đồn đó một ngôi chùa để giải oan siêu độ cho vong linh các đồng bào, nghĩa sĩ. Đời sau, bến sông, ngôi chùa và xóm dân ven sông này đều mang tên là Gián.
20. Miếu Nhà Bà: Được dựng từ thời cổ, cạnh cổng vào làng Đụn Dương, huyện Thạch Thất, là nơi thờ Hai Bà Trưng và các nữ tướng của Hai Bà, nay vẫn còn và được bà con dân làng tu tạo khang trang.
21. Lời đồng dao từ thượng cổ:
"Kẻ Săn, Kẻ Đụn, Kẻ Giàng
Trong đình thờ ngựa, ngoài đàng thờ voi... "?
Thời Bắc thuộc (Đông Ngô), cai trị có viên quan Tàu là Chu Tuấn được cử sang ta làm huyện lệnh huyện Câu Lâu (sau này là huyện Thạch Thất) với nhiệm vụ bình định gia đình cừ soái Việt là 5 anh em Mãnh Hoạch khi đó nổi dậy chống lại nền thống trị Đông Ngô. Mãnh Hoạch là tráng sỹ chuyên bắt mãnh cầm, mãnh thú để dạy dỗ làm việc, chiến đấu,... Người Mường không hề có họ Mạnh. Huyện lệnh Chu Đàm mang theo sang Câu Lâu hai em trai là Chu Liệt và Chu Khiêm đều có võ nghệ và y thuật khá tinh thông. Họ cướp bóc của cải nước ta để sống phè phỡn và thi ân bố đức, tuyên xưng vương hóa Đông Ngô, cũng nhằm để tiêu diệt sự ủng hộ tiếp tế của dân bản địa cho anh em Mãnh Hoạch ở mạn Tây Bắc, Hòa Bình. Họ khéo léo dụ dân làng các ấp trong huyện Câu Lâu lập sinh từ thờ sống ba anh em họ, ngay trong những ngôi đền miếu xưa nay vẫn thờ cúng các Vua Hùng, Thánh Tản, anh hùng Việt tộc như Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh thời Hai Bà. Chẳng bao lâu, cả ba anh em họ Chu huyện lệnh Tàu bị anh em cừ soái Mãnh Hoạch giết chết ở làng Triều Xuyên, ở Kẻ Cấm (Bách Kim), thi hài chôn ở Quán Sải (Kẻ Sải, Thúy Lai). Trong thời Đông Ngô, những ngôi sinh từ đó nghiễm nhiên trở thành đền thờ ba anh em viên huyện lệnh Tàu quê ở tỉnh Hà Nam (Trung Hoa). Nhiều làng phải đưa bài vị xưa nay thờ cúng các Tổ tiên Việt tộc từ đền cũ ra thờ ở miếu quán dựng bên đầu làng. Điển hình là ba làng Săn, Giàng, Đụn kể trên. Ngựa là con vật phục vụ chinh chiến mà các tướng Tàu thường cỡi. Voi là con vật hiền dũng mà chị em Vua Bà Trưng Chắc dùng làm phương tiện vi hành, đặc biệt là khi xung trận. ở huyện Thạch Thất, có hơn hai chục làng còn thờ 3 anh em viên huyện lệnh Tàu thời Đông Ngô này, buộc lâm vào cảnh "mồ cha không khóc, khóc đống mối". Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở lại đây, một số nơi đã dẹp việc thờ cúng các vị họ Chu này, trở lại thờ các Tổ Tiên Việt Tộc.
22. Kẻ Săn: là tên nôm làng Chi Quan. Thời Đông Hán, bọn thống trị để một vệ quân Tàu (khoảng 500 quân, bằng một tiểu đoàn) đóng ở Kẻ Săn, vệ gọi là Chế Lan với nhiệm vụ trấn áp những "làn sóng nổi dậy" của đám tù trưởng trong địa phương. Từ đó, Kẻ Săn mang tên chữ là hương Chế Lan. Đám quân Tàu đóng quân ở chỗ mà đời sau dân ta gọi là xóm Vạy, với hàm ý miệt thị bọn quân xâm lược làm điều tà vạy, đi xục xạo cướp bóc của cải và bắt giết các nghĩa sỹ địa phương. Có lời đồn rằng, bọn quân Tàu chôn vàng bạc quanh khu Giếng Vạy, để về sau con cháu chúng sang lấy. Trong địa phương thực tế, họa hoằn cũng có người gặp may đào được vàng bạc do người Tàu cất giấu từ xưa hoặc tổ tiên để lại.
23. Làng ác: trên đường đi từ Thạch Thất đến trị trấn Hòa Lạc (thuộc Thạch Thất), có di tích một vài địa danh mang tên "làng ác". Truyền lại là sau khi chiếm cứ Cổ Lôi Trang (vùng Kẻ Lói, quê hương Vua Bà), Mã Viện cưỡng bức dân địa phương đô kỳ Mê Linh gồm hàng chục làng phải dọn quê quán sang lập làng mới phía bên bắc sông Hồng (nay thuộc Vĩnh Phúc), và bên phía sông Đáy, sông Nhị (nay thuộc Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An). Trên đất đô kỳ Mê Linh cũ, (toàn vùng Cổ Lôi Trang), Mã Viện và Lưu Long cho "cấy" những đám dân mới là vợ con quân Đông Hán thành những xóm làng mới, gọi là những xóm "Mã lưu" (lưu dân do Mã Viện và Lưu Long chiêu tập từ bên Tàu sang), để bọn đó làm chỉ điểm ngầm, phát hiện những thành phần Việt tộc đối kháng còn ở địa phương. Dân gian đời sau gọi những nơi này là "làng ác", vì bọn "Mã lưu" này đã làm nhiều điều ác độc, thất đức với dân bản bộ cũ của Hai Bà. Qua thời gian, những "làng ác" này rồi cũng điêu tàn, đổ nát, dấu vết còn lưu lại rải rác khắp các vùng Cổ Lôi Trang, giữa các huyện Thạch Thất, Ba Vì (Sơn Tây) và châu Lương Sơn (Hòa Bình).
24. Đồi Dền: là một trong nhiều ngọn đồi thuộc làng Giàng (Kim Quan). Đây là một ngọn đồi của dãy đồi thuộc làng Kim Quan cách xóm Gián mấy trăm mét; dãy đồi kéo dài từ tả ngạn ven sông Tích đến Ngã Ba Thá rồi chạy vào sông Đáy, nhập vào mạch núi Hương Sơn thuộc các huyện Mỹ Đức, Lương Sơn, Chương Mỹ. Gần làng Hạ Lôi trong huyện Yên Lãng (tỉnh Phúc Yên) cũng có thành Dền, nguyên là Kiển Thành (thành Kén) do Mã Viện lập nên.
25. Dòng sông Con hay Tích Lịch Giang (dòng sông sấm sét): Chảy ôm lấy vùng đất Cổ Lôi Trang. Đoạn sông chảy qua làng Kim Quan bắt đầu từ Đồng Dâu thuộc xã Kim Quan đến làng Cần Kiệm. Sau đó tiếp xuống mãi thành Quèn ở Liệp Mai, Liệp Tuyết (Quốc Oai). Truyền lại Thành Quèn nguyên là Phủ Đô úy thời Đông Hán lập ra để trấn áp lực lượng dân tộc của các tù trưởng Việt Tộc trong vùng, từ thời Hai Bà đến thế kỷ X. Sau này, sứ quân Đỗ Cảnh Thạc dùng Thành Quèn để đóng quân, chiếm giữ vùng này và khúc sông Tích ở đây được gọi là sông Đỗ Động.
26. Lãnh thổ Lĩnh Nam Bách Việt cũ trước và thời Hai Bà gồm: Vùng Động Đình Hồ nay thuộc tỉnh Hồ Nam (TQ.) gọi là đất Dương Việt, địa bàn của người Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử; Mân Việt: địa phận Triết Giang ngày nay; Hải Nam: nay là tỉnh Quảng Đông; Đạm Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam; Hợp Phố: thuộc tỉnh Quảng Đông; Tượng quận: Vân Nam, Quế Lâm và Quảng Tây, Giao Chỉ: nay là Bắc bộ Việt; Cửu Chân: Thanh, Nghệ; Nhật Nam: Từ Hà Tĩnh vào đến Bình Trị Thiên ngày nay.
27. Bà Mế: (Mế Lành) tức là Mèn Thiện hay Man Thiện, Ông Hoàng: truyền thuyết dân gian các làng ở Cổ Lôi Trang kể rằng ông bà Hùng Định có sinh một người con trai út tên thường gọi là ún Ba, sau Hai Bà Trưng. Ông này là một dũng tướng và Huân thần của Bà Trưng, sau chiến thắng Tô Định được phong Hoàng Đệ và chức tước khác, dân gian thường gọi là ông Hoàng Ba. Trong Đạo Nội, Tứ Phủ Công Đồng, bà Bát Nạn tướng quân Vũ Trinh Thục được dân gian tôn là "Bà Chúa Thượng Ngàn"vì khi sinh thời, bà được vua Trưng trao quyền thống quản 18 cửa rừng từ Bạch Hạc xuống tới đèo Ba Dội, trong khi ông Hoàng Ba được dân gian cung kính kiêng tên và đọc chệch là ông Hoàng Bơ. Vì là một dũng tướng thời Hai Bà, khi hóa thân hiển hách, trong giá đồng, Ông vẫn tỏ uy phong lẫm liệt lúc sinh thời.
28. Độn Dương là tên có ý miệt thị do bọn cai trị Đông Hán đặt cho Kẻ Đụn (Đụn dương) vì trong chữ Độn (Hán) có chữ "đổn" là con lợn và mặt trời (dương) chỉ bọn triều đình phong kiến phương Bắc. Song ngay thời đó, tổ tiên làng Đụn không phát âm theo chữ Độn mà vẫn hãnh diện gọi là Đụn, một cái tên thương yêu Mường - Việt từ cổ xưa. Về nét chữ Hán thì vẫn viết là Độn Dương nhưng hiểu theo nghĩa "Âm Dương Nhị Độn" trong Kinh Dịch. Kinh dịch là một bộ sách quý của Bách Việt do các vị Tổ đất Việt là Phục Hy và Thần Nông soạn ra, đã bị bọn cai trị Tàu cướp mang về nước, sao chế thành kỳ thư của chúng. Trong Kinh Dịch đó có Dương Độn và Âm Độn nên các nhà lý số, dịch học gọi là "Âm Dương Nhị Độn". Bấm độn là bấm quẻ.
(Nhóm nghiên cứu lịch sử họ Đỗ Việt Nam)
|
*Văn minh là lịch sự* Văn hóa là đẳng cấp* Điều cần cho phát triển* Là tiên tiến đi lên*
Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016
SỰ THẬT VỀ VÙNG ĐẤT MÊ LINH: Dấu vết về các địa danh, di tích vùng định đô cổ thời Hùng Định - Hai Bà Trưng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét